Thay đổi huyết áp sinh lý như thế nào?
Huyết áp được đo bằng máy huyết áp kế. Đây là cách đo gián tiếp, máy hoạt động theo phương thức tạo một áp lực đè lên mạch máu để không cho máu di chuyển qua điểm đang đo. Sau đó áp lực sẽ hạ dần tới lúc máu di chuyển trở lại trong lòng mạch. Áp lực tại thời điểm đó chính là áp lực được tạo ra do sự co bóp của tim để tống máu vào lòng mạch. Chỉ số huyết áp gồm 2 số, số tối đa là áp lực đã nói, số tối thiểu là khi dòng máu lưu thông trở về bình thường, biểu hiện tình trạng hoạt động tốt của mạch máu. Nói nôm na, số cao là hoạt động của tim, số thấp là của mạch máu. Ðơn vị đo chỉ số huyết áp thường dung là mmHg (milimet thuỷ ngân).
Huyết áp thay đổi theo các hoạt động sinh lý như gia tăng theo cảm xúc (vui, buồn làm tim đập nhanh hơn, mạnh hơn dẫn đến huyết áp tăng), theo hoạt động thể lực, theo tuổi, theo giới… Huyết áp còn thay đổi khi đo khi nằm hay khi đứng, đo ở vị trí cách xa tim nhiều hay ít. Ăn no làm giảm huyết áp.
Huyết áp lúc mang thai thay đổi ra sao?
Lúc mang thai, có các thay đổi sinh lý về tim mạch: tăng nhịp tim, tăng lượng máu (tăng phần dịch nhiều hơn phần tế bào máu làm máu loãng hơn). Một số cơ quan phát triển nhiều, tăng sinh mạch máu nên cần lượng máu đi qua nhiều hơn như: vú, tử cung (bánh nhau). Tuy nhiên huyết áp lại có khuynh hướng giảm khoảng 10-15%. Do đó, để theo dõi tốt diễn tiến huyết áp lúc mang thai, sản phụ nên biết được huyết áp của mình trước khi mang thai, theo dõi huyết áp từ giai đoạn sớm của thai kỳ, và cần thường xuyên theo dõi huyết áp tới khi sanh.
Một số bệnh lý nội khoa như bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh máu sẽ làm ảnh hưởng đến huyết áp. Tăng huyết áp có thể là hậu quả của các bệnh lý nội khoa, cũng có khi không có nguyên nhân, khi đó gọi là bệnh tăng huyết áp thai kỳ. Huyết áp được gọi là tăng khi ở mức 140/90mmHg trở lên.
Tăng huyết áp trong thai kỳ ảnh hưởng trên mẹ và con như thế nào?
Có 4 nhóm bệnh liên quan đến tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ bao gồm:
1/Tăng huyết áp thai kỳ: chỉ có tăng huyết áp đơn thuần, xảy ra sau tuần thai thứ 20.
2/Tiền sản giật: cũng xảy ra sau tuần 20, gồm có tăng huyết áp, phù và có đạm trong nước tiểu.
3/Tăng huyết áp mãn tính: có cao huyết áp trước khi mang thai.
4/Tăng huyết áp mãn tính ghép thêm tiền sản giật.
Nếu không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp khi mang thai thì có thể dẫn đến các tai biến cho mẹ, giống như tình trạng tai biến mạch máu của người bệnh cao huyết áp (là do mạch máu bị vỡ dưới áp lực quá cao). Với con, do tình trạng máu nuôi kém, có thể có thai nhẹ ký hay suy dinh dưỡng; sợ nhất là tình trạng sanh non hay buộc lòng phải cho con ra đời sớm để giảm bệnh lý cho mẹ vì các bệnh lý huyết áp của thai kỳ, đa số đều giảm rõ rệt sau khi thai được sinh ra. Tăng huyết áp khi mang thai cũng lấy ngưỡng là 140/90mmHg (ngưỡng cần điều trị)
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật như đã nói trên là tình trạng bao gồm: tăng huyết áp, đạm trong nước tiểu và phù nhiều. Tình trạng này xảy ra sau tuần thai thứ 20. Nguyên nhân chính gây tăng huyết áp là có tình trạng co thắt các mạch máu nhỏ. Ðạm niệu là do mạch máu thận bị tổn hại gây thất thoát đạm qua nước tiểu. Xét nghiệm nước tiểu sẽ biết được tình trạng này. Phù do bị mất nhiều đạm, phù nhiều, có thể phù cả tay và mặt, không hết sau nằm nghỉ. Phù trong tiền sản giật khác với phù sinh lý khi mang thai (phù ở chân do chèn ép sẽ khỏi sau một đêm nằm nghỉ ngơi).
Nguyên nhân nào dẫn đến tiền sản giật?
Nguyên nhân tới giờ vẫn chưa rõ, tuy nhiên người ta nhận thấy thai phụ quá trẻ hay quá lớn tuổi (nhỏ hơn 15 hay lớn hơn 35 tuổi) dễ bị tiền sản giật, người con so dễ bị hơn con rạ, đa thai dễ bị hơn một thai, tiểu đường cũng là yếu tố nguy cơ. Bệnh sẽ khỏi nhanh chóng sau khi thai ra. Nếu để bệnh diễn tiến nặng, huyết áp không được kiểm soát có thể đưa đến cơn sản giật.
Sản giật là gì?
Sản giật là cơn co giật. Bệnh nhân đang tỉnh, thường than nhức đầu, sau đó cơn co giật cả người trong vài giây đến vài phút. Bệnh nhân lơ mơ trong cơn giật rồi tỉnh lại một cách chậm chạp. Cơn co giật có thể xảy ra một lần hay nhiều lần liên tục nếu huyết áp vẫn tăng cao, càng nhiều lần thì càng nguy hiểm cho mẹ và cho con. Những dấu hiệu cho thấy bệnh nặng là: nhức đầu, nhìn mờ mắt, đau vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải, tri giác thay đổi.
Sau khi thai ra khỏi cơ thể mẹ, huyết áp sẽ giảm dần tới ổn định; chắc chắn sau 6 tuần hậu sản, huyết áp sẽ về bình thường. Bệnh không làm huyết áp tăng trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, nếu có các biến chứng của bệnh (tai biến mạch máu, tổn thương các cơ quan nội tạng mà thường nhất là gan, thận) thì chắc chắn sẽ có di chứng, tùy theo mức độ tổn thương.
Ðiều trị và phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ bằng cách nào?
Ðiều trị tăng huyết áp trong thai kỳ chủ yếu là thuốc hạ áp khi huyết áp trên ngưỡng nhưng trước đó sản phụ cần được theo dõi sát các diễn tiến của huyết áp. Trong tiền sản giật, còn có dùng thuốc chống co giật, để hạn chế cơn giật xảy ra. Quan trọng nhất là việc lấy thai ra khi sức khoẻ mẹ quá nghiêm trọng.
Phòng ngừa tốt nhất là theo dõi huyết áp sớm và thường xuyên lúc mang thai, biết được tình trạng huyết áp trước khi mang thai, tránh mang thai khi còn quá trẻ hay đã quá lớn tuổi, điều trị ổn định các bệnh nội khoa trước khi mang thai.
Tóm lại, tăng huyết áp thai kỳ báo động một thai kỳ nguy cơ. Việc quan trọng cần làm là theo dõi sát huyết áp trước và trong khi mang thai. Nếu có tình trạng tăng huyết áp xảy ra, chúng ta sẽ được sự can thiệp tốt nhất của bác sĩ nhằm đem lại sức khỏe tốt nhất cho mẹ và con.
.