- Siêu âm đo độ mờ da gáy là một trong những cuộc kiểm tra quan trọng, nó giúp phát hiện thai nhi có khả năng mắc hội chứng Down hay không. Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện là khi thai nhi được 11-14 tuần tuổi. Nếu qua khoảng thời gian này kết quả sẽ không được chính xác, vì vậy mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý.
Hội chứng Down là gì?
Vì sao phải đo độ mờ da gáy?
Đo độ mờ da gáy tuần bao nhiêu là chính xác nhất?
Phương pháp đo độ mờ da gáy
Nếp gấp da gáy bao nhiêu là bình thường?
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng Down
Hội chứng Down là gì?
Hội chứng Down là hiện tượng phổ biến nhất trong các rối loạn bất thường nhiễm sắc thể. Trẻ mắc bệnh này thường có xu hướng chậm phát triển trí tuệ và khả năng vận động. Điều đáng tiếc hơn là căn bệnh này không thể chữa trị dứt điểm hoàn toàn, chỉ có thể phát hiện sớm nguy cơ nhờ phương pháp siêu âm độ mờ da gáy.
Siêu âm độ mờ da gáy là phương pháp giúp chẩn đoán nguy cơ dị tật thai nhi sớm nhất
Vì sao phải đo độ mờ da gáy?
Điều đầu tiên bạn cần biết rằng đo độ mờ da gáy là một xét nghiệm sàng lọc chứ không phải xét nghiệm chẩn đoán. Độ mờ da gáy hay còn gọi là khoảng sáng da gáy hoặc nếp gấp da gáy sẽ giúp đánh giá xem thai nhi có khả năng mắc hội chứng Down hay không.
Tất cả thai nhi đều có một lớp chất lỏng dưới da ở mặt sau cổ, nhưng với những bé có nguy cơ mắc Hội chứng Down, lượng chất lỏng này thường nhiều hơn hẳn. Nếu độ mờ da gáy nằm trong giới hạn bình thường, bà bầu không cần làm thêm những chẩn đoán khác. Ngược lại, nếu vượt ngưỡng cho phép, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm một vài xét nghiệm để có kết quả chính xác hơn.
Kết quả đo độ mờ da gáy trở nên chính xác hơn khi kết hợp với xét nghiệm máu (Đo nồng độ beta-hCG tự do và một protein PAPP-A). Kiểm tra này được gọi là thử nghiệm kết hợp, tỉ lệ phát hiện hội chứng Down tăng lên khoảng 90%.
Đo độ mờ da gáy tuần bao nhiêu là chính xác nhất?
Nhiều trường hợp mẹ bầu đi siêu âm cho kết quả thai nhi vẫn đang phát triển tốt, nhưng khi sinh ra chẳng may bé lại gặp vấn đề bất thường nào đó. Nguyên nhân có thể do mẹ đã bỏ qua thời điểm quan trọng cho các cuộc kiểm tra. Chính vì vậy, mẹ bầu cần lưu ý kiểm tra thai định kỳ theo sự hướng dẫn của bác sĩ, trong đó có siêu âm độ mờ da gáy.
Việc đo độ mờ da gáy được chỉ định bắt buộc thực hiện ở tuần 11-14 của thai kỳ. Theo các chuyên gia nếu đo quá sớm, da gáy sẽ rất mờ vì thai nhi lúc này còn quá nhỏ. Nếu để quá 14 tuần, kết quả độ mờ da gáy lại trở về mức bình thường, bởi sau 14 tuần bất kỳ chất lỏng gáy dư thừa sẽ được hấp thụ bởi hệ thống bạch huyết của bé. Lúc này, kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy không còn ý nghĩa.
Phương pháp đo độ mờ da gáy
Đo độ mờ da gáy được thực hiện bằng cách thức siêu âm thai trên phần bụng. Tuy nhiên đối với một số trường hợp siêu âm đầu dò sẽ cho kết quả tốt hơn.
Để biết chính xác tuổi thai, bác sĩ sẽ đo chiều dài từ đỉnh đầu đến cuối xương sống của bé. Sau đó tiếp tục đo độ mờ da gáy, da của bé có màu trắng còn khoảng mờ da gáy có màu đen. Lần siêu âm này còn giúp phát hiện những bất thường ở bụng hay hộp sọ của thai nhi.
Nếp gấp da gáy bao nhiêu là bình thường?
Khi thai nhi được 11 tuần tuổi độ mờ da gáy là 2mm, 13 tuần là 2,8mm đây là chỉ số cho biết thai nhi bình thường. Nếu độ mờ da gáy lớn hơn 3mm, bé có nguy cơ mắc hội chứng Down. Kết quả kiểm tra này có thể phán đoán chính xác 75% nguy cơ.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp độ mờ da gáy bất thường đều có nguy cơ bị Hội chứng Down. Vì vậy, mẹ không nên quá lo lắng, bởi siêu âm độ mờ da gáy chỉ là xét nghiệm sàng lọc. Điều này đồng nghĩa, sau khi kết quả đo độ mờ da gáy bất thường, bầu cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác mới biết chính xác bé có bị Down hay không.
Thêm vấn đề nữa đó là nhiều mẹ có thể hiểu sai về xét nghiệm da gáy thai nhi nhằm xác định mức độ thông minh của trẻ nên khi đi khám thai ở tuần 11 đến 14 thường đặt câu hỏi “độ mờ da gáy bao nhiêu thì con thông minh”. Thực tế, chưa có chứng minh nào nói lên được mối liên hệ giữa độ mờ da gáy và chỉ số thông minh.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng Down
Tuổi tác: Nguy cơ mắc hội chứng Down thường tỷ lệ thuận với tuổi tác của mẹ. Tuổi mẹ càng cao, bé càng có nguy cơ cao hơn. Thống kê cho thấy, nếu mẹ bầu trong độ tuổi 25, tỷ lệ thai nhi mắc bệnh 1/1200. Tuy nhiên, nếu mẹ 40 tuổi, tỷ lệ sẽ tăng lên 1/100.
Thường xuyên làm việc hay tiếp xúc với các chất bức xạ, hóa chất độc hại cũng làm tăng nguy cơ thai nhi bị dị tật.
Tiền sử thai chết lưu, hoặc người thân của vợ hay chồng có người bị bệnh.
Trong 3 tháng đầu mẹ bị nhiễm virus hoặc dùng thuốc gây ảnh hưởng đến thai nhi trong giai đoạn này.