Ngại ngùng vì những cơn đau và sự bất tiện trong “quan hệ” vợ chồng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người phụ nữ
Sau 2 lần sinh nở, chị N.X.M.D (39 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài vì quan hệ vợ chồng không bao giờ trở lại bình thường như xưa.
Nguyên nhân chính do sinh nở
Không những chị hay bị đau khi quan hệ mà còn gặp phải chứng són tiểu. Chị rất buồn vì chồng mình có vẻ ái ngại mỗi khi “gần gũi” và cũng không thể tập thể thao để lấy lại dáng vì triệu chứng khó nói này xuất hiện cả khi tập nặng.
Chị D. tìm hiểu khá nhiều trên các diễn đàn và biết được nhiều bà mẹ sau sinh cũng gặp phải những phiền phức như mình. Vấn đề chỉ được giải quyết khi một nữ bác sĩ (BS) đọc được chủ đề thảo luận của chị và các bạn “cùng cảnh ngộ” trên diễn đàn và gợi ý: “Các chị vô bệnh viện (BV) sản phụ khoa khám đi, trị được mà, đừng chịu đựng hoài, nặng thêm!”. Chị nghe theo và tìm đến BV Từ Dũ, được chẩn đoán là sa tạng chậu. Rất may bệnh của chị còn nhẹ nên chỉ điều trị nội khoa và vật lý trị liệu. “Chuyện đã 2 năm rồi, sau khi trị tôi tự tin hẳn khi gần chồng và đến nay cuộc sống vợ chồng đã trở lại bình thường” – chị tâm sự.
“Tiểu són và sa sinh dục là 2 vấn đề thường gặp ở những phụ nữ lớn tuổi, sinh đẻ nhiều lần. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống” – TS-BS Nguyễn Trung Vinh, Chủ tịch Hội Sàn chậu họcTP HCM, Trưởng Khối Ngoại BV Triều An – cho biết tại Hội nghị Sàn chậu học lần thứ 12 do Hội Sàn chậu học TP HCM phối hợp với BV Từ Dũ tổ chức sáng 28-7.
Đây là những vấn đề thuộc về lĩnh vực sa tạng chậu, rắc rối khó nói của nhiều phụ nữ vì ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày, sinh hoạt tình dục, các vấn đề bài tiết, tiêu hóa… Sa tạng chậu xảy ra do sự suy yếu hệ thống nâng đỡ đáy chậu, dẫn đến rối loạn chức năng vùng sàn chậu. Bệnh có nhiều mức độ, có người bị nhẹ như sa thành trước âm đạo, ở giai đoạn đầu chỉ gây tiểu không kiểm soát khi gắng sức (tiểu són) và một số rắc rối “chăn gối”; có người để lâu, các cơ sàn chậu càng suy yếu dẫn đến một số cơ quan trượt khỏi vị trí ban đầu (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng…).
BS chuyên khoa II Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc BV Từ Dũ, cho biết theo các thống kê, tỉ lệ mắc sa tạng chậu có thể lên đến 50% ở phụ nữ tuổi từ 15-60. Nguyên nhân chủ yếu là do mang thai, sinh nở nhưng cũng có một số ít trường hợp bị từ trẻ do một số bệnh lý, ví dụ bệnh liên quan đến cơ chế tổng hợp collagen.
Đừng ngại ngùng tìm đến bác sĩ nếu sau kỳ sinh nở bạn bắt đầu gặp phải những triệu chứng khó nói. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ảnh hưởng nặng về tâm lý
Các chuyên gia cảnh báo việc nhiều phụ nữ do tâm lý ngại ngùng nên cố chịu đựng, có thể khiến vấn đề trầm trọng thêm khi tuổi cao hơn, khi mang thai và sinh thêm con. Có người để đến khi sa bàng quang, sa tử cung xuống âm đạo khá rõ mới đi phẫu thuật sau nhiều năm âm thầm chịu đựng. Cũng như nhiều bệnh khác, căn bệnh này càng để lâu càng nặng và càng khó trị, nên các chuyên gia khuyên bạn nên đi khám ngay khi có các biểu hiện đầu tiên (cảm giác nặng ở vùng chậu, nhức mỏi vùng eo lưng, đầy bụng, xuất huyết âm đạo, són tiểu, bị đau khi quan hệ tình dục…). Trong đó, theo một nghiên cứu của BV Triều An, tiểu không kiểm soát khi gắng sức (ví dụ như tập thể thao) là một trong những biểu hiện thường gặp đầu tiên và gây phiền toái nhất.
Theo BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, đa số các trường hợp sa tạng chậu có thể điều trị bảo tồn, không cần phẫu thuật nếu bệnh nhân đến thăm khám và điều trị sớm. Theo bà, bản thân quá trình mang thai đã ảnh hưởng đến vùng sàn chậu, vì vậy mỗi phụ nữ nên đi khám vùng sàn chậu ít nhất một lần sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” sinh nở. Khi các vấn đề còn nhẹ, có thể dễ dàng ngăn chặn hoặc làm chậm lại bằng điều trị nội khoa và các bài tập vật lý trị liệu. Càng đến gặp BS sớm, việc điều trị càng dễ dàng và mục tiêu bình thường hóa các chức năng (tình dục, đại tiện, tiểu tiện) càng dễ đạt được hơn.
BS Mỹ Nhi cũng lưu ý việc ngại ngùng vì những cơn đau, những sự bất tiện trong quan hệ vợ chồng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người phụ nữ. Đó là một trong những lý do người chồng hãy động viên vợ đi điều trị nếu phát hiện có bệnh. Các quan niệm hiện đại ngày nay đều ủng hộ và khuyến khích phụ nữ duy trì “sinh hoạt” vợ chồng đến sau tuổi mãn kinh và nhiều năm sau đó nữa, với rất nhiều lợi ích đã được khoa học chứng minh. Nhiều phụ nữ rất lớn tuổi vào BV điều trị những vấn đề liên quan đến chăn gối “vì ông xã”, điều này rất bình thường và được y học khuyến khích.
Hãy sống lành mạnh
Theo các chuyên gia, ngoài nguyên nhân do quá trình mang thai – sinh nở, tuổi tác càng cao gây thiếu hụt các nội tiết tố quan trọng, thiếu hụt collagen cũng có thể góp phần dẫn đến nguy cơ sa tạng chậu. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ như thừa cân – béo phì, làm việc nặng nhọc, bị táo bón hay bệnh gây ho kéo dài… Vì thế, một chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý và nhanh chóng chữa trị các bệnh lý nếu có sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phòng ngừa chứng bệnh này.